Z5331578510618 33d99e84e2785bb5ee8d7bdcb5422f55

Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ, thua lỗ và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ, thua lỗ và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Nhiều doanh nghiệp lỗ càng thêm lỗ sau khi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023. Sức khỏe tài chính không ổn định, có vấn đề về các khoản phải thu, trích lập dự phòng, lỗ lũy kế hay chậm thanh toán nợ trái phiếu… Các yếu tố này dồn doanh nghiệp đến trình thế bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải “tất tay”, thanh lý tài sản, bán dự án hoặc tìm cách giãn nợ.

*Lợi nhuận giảm sâu sau kiểm toán

Mùa báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 vừa trải qua giai đoạn cao điểm. Từ “lăng kính” của đơn vị kiểm toán chỉ ra nhiều vấn đề nhức nhối, còn tồn tại của các doanh nghiệp, trong đó có những khoản lỗ sâu, giảm lợi nhuận giờ mới được đề cập.

Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ, thua lỗ và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – đơn vị tự lập báo cáo tài chính lãi 1.817 tỉ đồng trong năm 2023 nhưng đã giảm 36 tỉ đồng sau khi kiểm toán, còn 1.781 tỉ đồng. Dù lãi cả nghìn tỉ đồng năm qua nhưng tập đoàn này vẫn chưa thoát lỗ lũy kế, vẫn lỗ 1.169 tỉ đồng.

Không chỉ riêng trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng bị áp lực lỗ lũy kế đè nặng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đã tăng thêm khoản lỗ 333 tỉ đồng so với báo cáo doanh nghiệp tự lập. Tính cả năm, tập đoàn lỗ hơn 1.115 tỉ đồng sau kiểm toán, đẩy lỗ lũy kế lên hơn 3.240 tỉ đồng. Lợi nhuận giảm sau kiểm toán được Hòa Bình lý giải do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự khác biệt về quan điểm giữa công ty và đơn vị kiểm toán về cách hạch toán nợ phải thu, các khoản trích lập dự phòng.

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng đã giảm gần 200 tỉ đồng lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế được kiểm toán năm còn gần 486 tỉ đồng, giảm 78% so với năm trước. Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ đơn vị kiểm toán. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Công ty cổ phần Đầu tư LDG cũng công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 với khoản lỗ sau thuế hơn 527 tỉ đồng, tăng thêm gần 153 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị kiểm toán thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo tự lập.

Tập đoàn Lộc Trời công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 16,5 tỉ đồng, giảm 94% so với báo cáo công ty tự lập. So với năm trước, lợi nhuận cũng giảm 96%. Công ty giải trình nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận sau kiểm toán, như các khoản giảm trừ doanh thu giảm, giá vốn hàng bán tăng, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm…

Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) cũng công bố doanh thu giảm 40% so với báo cáo tự lập, lỗ thêm 37 tỉ đồng sau kiểm toán, lên mức lỗ gần 403 tỉ đồng. Con số này là mức lỗ kỉ lục của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE từ năm 2010 đến nay.

“Oằn mình” gánh nợ

Bên cạnh việc bị tăng lỗ, lỗ lũy kế kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng gặp tình trạng khó khăn trong thanh toán nợ vay, xử lý nợ trái phiếu, dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Câu chuyện xử lý nợ trái phiếu đã đè nặng lên vai doanh nghiệp trong 2 năm qua. Sang năm nay, áp lực đáo hạn trái phiếu được đánh giá cao nhất trong 3 năm kể từ 2022. Nhiều doanh nghiệp đã phải căng mình thu xếp vốn nhưng vẫn chưa thể giải quyết kịp thời bài toán này.

Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ trái phiếu 4.671 tỉ đồng tại ngân hàng BIDV. Báo cáo kiểm toán cho biết tại ngày 31-12-2023, tập đoàn chưa thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn, tổng giá trị lần lượt là 100 tỉ đồng và 3.025 tỉ đồng. Vào ngày lập báo cáo, tập đoàn đã thanh toán khoản gốc trái phiếu 100 tỉ đồng và có kế hoạch thanh toán lãi trái phiếu đã đến hạn.

Vi phạm cam kết thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng nhiều vấn đề liên quan đến lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn khiến đơn vị kiểm toán đã đưa ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, doanh nghiệp của bầu Đức bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Không chỉ gặp khó trong xoay dòng tiền trả nợ trái phiếu, năm qua dù bán dần tài sản, thanh lý các khoản đầu tư, miệt mài trả nợ nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa thoát được áp lực nợ vay. Cả năm 2023, tập đoàn chỉ giảm được khoảng 297 tỉ đồng nợ vay. Tính đến cuối năm, doanh nghiệp còn vay nợ tài chính gần 7.869 tỉ đồng, gấp 1,17 lần vốn chủ sở hữu.

“Núi nợ” trên vai Novaland cũng không hề nhỏ. Tại ngày 31-12-2023, tổng số nợ và nợ vay trái phiếu của tập đoàn là 57.712 tỉ đồng, giảm 11% so với năm trước. Cho đến ngày hợp nhất báo cáo, tập đoàn mới chỉ thanh toán được gần 645 tỉ đồng trên dư nợ gốc.

Báo cáo của đơn vị kiểm toán cho rằng thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động của tập đoàn. Giả định hoạt động liên tục phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn cũng như có giải pháp tạo dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Các yếu tố này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland.

Bản thân Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng bị đơn vị kiểm toán chỉ ra những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất vẫn được ban tổng giám đốc lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục.

Ý kiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục cũng xảy ra với Công ty LDG. Đơn vị kiểm toán cho rằng việc xác định công ty có hoạt động liên tục không dựa trên cơ sở khả năng trong việc thực hiện thanh toán, gia hạn hoặc tái cấu trúc các khoản nợ quá hạn, nợ sắp đến hạn, tạo đủ dòng tiền trong ngắn hạn để duy trì hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.

Vào cuối năm 2023, LDG đang nợ tài chính gần 982 tỉ đồng, trong đó đã quá hạn thanh toán gần 517 tỉ đồng trái phiếu, lãi vay quá hạn gần 35 tỉ đồng. Công ty cũng quá hạn thanh toán phần tiền phải trả người bán ngắn hạn, nợ tiền phải trả cho người lao động.

Để giải bài toán đáo hạn trái phiếu, xử lý nợ, tiếp tục duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi biện pháp khác nhau, từ ngắn hạn đến dài hạn. Tập đoàn Novaland cho biết đang đàm phán một số khoản nợ vay, thành công đạt được thỏa thuận tái cấu trúc; đã được một số ngân hàng cho vay với hạn mức tín dụng khoảng 15.800 tỉ đồng được giải ngân trong 12 tháng tiếp theo; dự kiến bán tài sản thu về 2.870 tỉ đồng. Công ty cũng phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các dự án trong thời gian sớm nhất.

Công ty Đầu tư LDG lên phương án tái cơ cấu tài sản, dự án để thanh toán các khoản nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các khoản nợ khác. Theo đó, công ty muốn bán các tài sản gồm dự án khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (tên thương mại là LDG Sky); khu du lịch biển Bãi Bụt – Sơn Trà (LDG Grand Đà Nẵng). Bên cạnh đó, công ty có thể tái cơ cấu các tài sản khác thuộc công ty hoặc công ty con.

LDG cũng cam kết tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như tiến độ thu hồi tiền từ các khoản cho vay, khoản trả trước để nhận chuyển nhượng dự án đã thanh lý; ký quỹ hợp đồng môi giới độc quyền, khoản gốc và lợi nhuận phân chia từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đến thời điểm lập báo cáo tài chính, LDG cho biết đã thu toàn bộ khoản cho vay. Các khoản thu còn lại, công ty vẫn đang tiếp tục thu hồi công nợ khi đến hạn theo lộ trình thanh toán.

Về các khoản nợ trái phiếu, LDG cho biết đã và đang tiếp tục làm việc với trái chủ để thỏa thuận gia hạn nghĩa vụ nợ. Khoản nợ gốc trái phiếu 180 tỉ đồng sẽ được tất toán khi công ty thanh toán khoản lãi tương ứng. Với nghĩa vụ nợ trái phiếu còn lại, công ty đã có kế hoạch hoàn tất nghĩa vụ này trong năm 2024.

Một số doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn bị dồn nén suốt nhiều năm qua, số khác gặp áp lực bởi các rào cản phát triển của thị trường bất động sản. Sau giai đoạn gắng gượng, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán tài chính eo hẹp và nghi ngờ khả năng duy trì hoạt động. Để thoát khỏi khủng hoảng, không cách nào khác, bản thân doanh nghiệp cần có những giải pháp mạnh mẽ trong việc xử lý tài sản, tạo dòng tiền hoạt động, chủ động tiếp cận đa dạng nguồn vốn.

Bức tranh vĩ mô trong quí đầu năm có một số tín hiệu cải thiện đáng kể. Cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng gần 23%. Mỗi tháng, bình quân khoảng 4.700 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường. Những khó khăn là có thật, hiện hữu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có giải pháp tổng thể để không bị bỏ lại phía sau.

(Nguồn: Kinhte Saigon Online) 

 

 

Z3907142615519 42605364d84b3ebb2f45aea1cd1cad9c

Lĩnh vực - Ngành

Dịch vụ tư vấn

+ Đo lường sức khỏe tài chính doanh nghiệp định kỳ

+ Thiết lập và vận hành mô hình tài chính kinh doanh tối ưu

+ Xây dựng và vận hành ngân sách doanh nghiệp

+ Cấu trúc vốn tối ưu

+ Quản trị rủi ro tài chính

+ Xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo quản trị tài chính

+ Trực quan hóa báo cáo bằng POWER BI

+ Phân tích động lực tăng trưởng và Rủi ro kinh doanh

+ Cố vấn chiến lược và các quyết định quản trị tài chính

+ Thẩm định tài chính dự án

+ Huy động vốn và M&A

Dịch vụ tư vấn

Bài viết nổi bật

Dịch vụ bạn quan tâm