Trong quý 1, phần lớn các doanh nghiệp ngành dược đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng 2023 là thời điểm nhiều doanh nghiệp dược đạt lợi nhuận kỷ lục. Trước mức nền quá cao, nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì được phong độ.
Thống kê từ VietstockFinance, trong 33 doanh nghiệp ngành dược công bố BCTC quý 1, chỉ 12 cái tên đạt lợi nhuận tăng (gồm 1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi). Các trường hợp sụt giảm lên tới 20 đơn vị, cùng 1 doanh nghiệp phải báo lỗ.
Kết quả kinh doanh của nhóm dược trong quý 1/2024
|
Rất nhiều cái tên lớn trong ngành phải đón nhận kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ. Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) là một ví dụ. Sau năm lãi kỷ lục ngàn tỷ, DHG bước qua quý 1/2024 với lợi nhuận nhiều nhất ngành là 222 tỷ đồng, nhưng giảm 38% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp giải thích, việc giá vốn đội lên tới 21% đã kéo lãi gộp đi xuống. Cùng với đó, nhà máy Betalactam mới đi vào hoạt động cũng làm tăng chi phí, qua đó kéo kết quả quý 1 xuống sâu hơn.
Dược Hậu Giang đón nhận kết quả giảm sút vì giá vốn đội lên cao | ||
Tương tự, Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) với khoản lợi nhuận cao thứ 2 lịch sử vào năm 2023, nay cũng phải đón kết quả giảm sút. Kết thúc quý 1, DVN lãi ròng 81 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 18%. Hay Dược Bình Định (HOSE: DBD) ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ 2%, còn 67 tỷ đồng, trong khi năm 2023 cũng lãi kỷ lục.
Imexpharm (HOSE: IMP) cũng không nằm ngoài xu hướng khi giảm lãi 20% sau năm phá kỷ lục lợi nhuận, còn 62 tỷ đồng tại quý 1/2024. Giải trình từ phía IMP nêu yếu tố tăng giá nguyên liệu đầu vào là một trong những nguyên nhân kéo lùi kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó là tình hình cạnh tranh trên thị trường và việc nhà máy IMP4 đi vào hoạt động (từ quý 3/2023) khiến chi phí khấu hao và vận hành gia tăng. Traphaco (HOSE: TRA) cũng đi lùi 32%, lợi nhuận đạt 54 tỷ đồng.