Talkshow chuyên đề “Quản trị gian lận tài chính doanh nghiệp” trong khuôn khổ chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhất về nhận biết và rà soát gian lận trong kinh doanh…
Chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” ngày 2/12 được tổ chức bởi Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Quốc gia. Chủ tịch VACOD và HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Âu – châu Á thuộc Liên minh châu Âu; ông Vũ Trọng Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp – Đại học Quốc gia Hà Nội, MBA Đỗ Tiến Vượng, Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect và là Founder, CEO của CFC Vietnam – Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các đại biểu và hội viên của hai Hiệp hội.
“KẺ NGỐC” BÁN HÀNG CHO “KẺ NGỐC HƠN”
Chia sẻ tại chuyên đề quản trị tài chính của doanh nghiệp, ông Đỗ Tiến Vượng, Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, tại sao các nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp sẵn sàng chọn đầu tư vào những cơ hội dù lý trí thấy cơ hội đó có lợi nhuận phi lý? Tuy nhiên ông cũng đưa ngay ra lý giải bởi lý thuyết “kẻ ngốc hơn”.
Theo chuyên gia đào tạo, “kẻ ngốc hơn” (Greater Fool Theory) được hiểu là người ta có thể kiếm tiền bằng cách mua vào các dự án hay sản phẩm cho dù chúng có bị định giá cao hay không, bằng cách bán chúng cho “kẻ ngốc hơn”.
“Ưu điểm phương thức này là có thể thoát khỏi giao dịch sớm để không phải chịu lỗ nhưng nhược điểm là luôn theo đuổi tài sản có xu hướng không ổn định, không thể biết khi nào điều chỉnh giá sẽ bắt đầu và sẽ tốn thời gian”, chuyên gia Đỗ Tiến Vượng nói.
Sau khi chia sẻ về các câu chuyện liên quan tới lý thuyết “kẻ ngốc hơn”, diễn giả cũng đã chia sẻ về các giải pháp khắc phục như cắt lỗ, tái cân bằng danh mục đầu tư và định cỡ vị thế.
Ở nội dung chính “Quản trị gian lận tài chính kinh doanh”, ông Vượng đã đi từ những nghiên cứu điển hình đặc trưng để nhìn ra những phương thức gian lận tài chính trong doanh nghiệp, dựa trên những dấu hiệu như cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, SPV; lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực hoạt động thông thường hay dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (tăng vốn) hoặc hay thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đi sâu phân tích về các phương pháp gian lận mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng như: Sử dụng hệ thống 2 sổ như Công ty Nhật Cường, Alumium Vietnam, người khổng lồ ngành năng lượng ENRON với doanh thu lên tới 100 tỷ USD đã sụp đổ khi bị phát hiện sử dụng SPV nhằm loại bỏ được các khoản nợ hàng trăm triệu USD khỏi sổ sách.
Việt Nam đang rúng động bởi vụ án Vạn Thịnh Phát, mà công cụ được sử dụng là SPV để xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp, chia thành 4 nhóm chính có mối quan hệ chặt chẽ, bao gồm: nhóm định chế tài chính, nhóm các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty ở nước ngoài. Vạn Thịnh Phát đã dùng SPV để chạy dòng tiền và doanh thu nhằm chiếm đoạt lượng tài sản khổng lồ.
Hay câu chuyện của công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ là Satyam, bằng cách thức đẩy giá rồi bán chui cổ phần, chi 3 triệu USD “thanh toán lương” cho những người không tồn tại (thực tế là trả cho Hội đồng quản trị) khiến cho Satyam sụp đổ. Điều đó khiến Satyam trở thành vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Ấn Độ…
(Nguồn: Tạp chí Thương gia)