“Phần I: Xu hướng SXKD ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (số lượng đơn đặt hàng, lao động, chi phí sản xuất, công suất sử dụng máy móc, thiết bị); (3) Dự kiến kết quả đầu ra (khối lượng sản xuất, giá bán bình quân của một sản phẩm); (4) Biến động tồn kho (tồn kho thành phẩm, tồn kho nguyên vật liệu) và (5) Kiến nghị của doanh nghiệp.

Phần II: Xu hướng SXKD ngành xây dựng”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (lao động, chi phí sản xuất, hợp đồng xây dựng mới, năng lực hoạt động của doanh nghiệp); (3) Vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; (4) Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp và (5) Kiến nghị của doanh nghiệp.

PHẦN I. XU HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023 với 64,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2024 so với quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định (22,1% tốt hơn và 42,8% giữ ổn định), 35,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[1]Dự báo quý II/2024 khả quan hơn quý I/2024 với 82,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý II/2024 so với quý I/2024 tốt hơn và giữ ổn định (45,4% tốt hơn, 36,6% giữ ổn định), 18,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

1Tổng quan chung về hoạt động SXKD

Đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ số cân bằng[2]. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dưới đây là kết quả đánh giá hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra theo chỉ số cân bằng chung và các chỉ số cân bằng thành phần.

1.1. Chỉ số cân bằng chung

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I/2024 so với quý IV/2023 là -13,0% (22,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn, 35,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -7,8% (24,2% tốt hơn, 32,0% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp nhà nước -11,0% (24,9% tốt hơn, 35,9% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -15,5% (20,9% tốt hơn, 36,4% khó khăn hơn).

Chỉ số cân bằng chung quý II/2024 so với quý I/2024 là 27,4% (45,4% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD tốt hơn, 18,0% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với 28,1% (45,9% tốt hơn, 17,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp FDI 26,7% (44,5% tốt hơn, 17,8% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp nhà nước 21,3% (43,2% tốt hơn, 21,9% khó khăn hơn).

1.2. Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 là -15,6% (20,9% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng, 36,5% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI là -11,7%; khu vực doanh nghiệp nhà nước -17,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -17,4%.

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 là 25,1% (42,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 17,1% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 26,5%; khu vực doanh nghiệp FDI 23,7% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 17,5%.

1.3. Chỉ số cân bằng sử dụng lao động

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 là -11,1% (9,9% doanh nghiệp nhận định lao động tăng, 21,0% doanh nghiệp nhận định lao động giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với -10,9% (7,7% tăng, 18,6% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -11,0% (15,2% tăng, 26,2% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -13,0% (7,3% tăng, 20,3% giảm).

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý II/2024 so với quý I/2024 là 6,9% (18,4% tăng và 11,5% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 13,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 4,5% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 1,0%.

1.4. Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý I/2024 so với quý IV/2023 là -16,5% (22,3% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng; 38,8% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -12,1% (24,3% nhận định tăng, 36,4% nhận định giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước với -15,6% (23,6% nhận định tăng, 39,2% nhận định giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -18,6% (21,3% tăng, 39,9% giảm).

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 là 26,4% (44,1% doanh nghiệp dự báo tăng, 17,7% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 27,2%; khu vực doanh nghiệp FDI 25,7% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 19,9%.

1.5. Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 là -8,6% (19,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 27,9% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI là -6,7% (21,2% tăng, 27,9% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -8,9% (18,6% tăng, 27,5% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -15,7% (16,9% tăng, 32,6% giảm).

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 là -11,4% (17,2% tăng, 28,6% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -4,0%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -14,2% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -19,6%.

Khái quát lại, quý I/2024 hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với quý IV/2023 do trong quý I/2024 có kì nghỉ Tết Nguyên Đán. Dự báo quý II/2024 khả quan hơn quý I/2024 với chỉ số cân bằng chung, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới, chỉ số cân bằng sử dụng lao động và chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất đều tăng lần lượt là 27,4%; 25,1%; 6,9%; 26,4%.

2. Biến động của các yếu tố đầu vào

2.1. Số lượng đơn đặt hàng

Theo kết quả khảo sát quý I/2024, có 63,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (20,9% tăng, 42,6% giữ nguyên); 36,5% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm[3].

Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 28,6%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 48,3%.

Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 82,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (42,2% tăng, 40,7% giữ nguyên), 17,1% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Đơn đặt hàng xuất khẩu

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 66,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (19,1% tăng, 47,3% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 33,6%[4].

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 33,3%. Ngược lại, ngành dệt có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 42,0%.

Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 khả quan hơn với 82,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I/2024 (36,9% tăng, 46,0% giữ nguyên); 17,1% doanh nghiệp dự báo giảm.

2.2. Sử dụng lao động

Quý I/2024 có 9,9% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng so với quý IV/2023; 69,1% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 21,0% doanh nghiệp nhận định giảm[5].

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 25,2%. Ngược lại, ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 giảm nhiều nhất với 29,8%.

Dự báo sử dụng lao động quý II/2024 khả quan hơn quý I/2024 với 88,5% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (18,4% tăng, 70,1% giữ nguyên); 11,5% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

2.3. Chi phí sản xuất

Kết quả khảo sát cho thấy, quý I/2024 có 92,6% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (27,7% tăng, 64,9% giữ nguyên); 7,4% doanh nghiệp nhận định giảm[6] so với quý IV/2023.

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 33,6%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 giảm nhiều nhất với 12,9%.

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, có 90,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (22,8% tăng, 68,0% giữ nguyên), 9,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.

2.4. Công suất sử dụng máy móc, thiết bị

Trong quý I/2024, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 71,6%[7]. Có 39,5% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%; 26,8% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 20,6% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 13,1% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.

Theo ngành kinh tế, quý I/2014, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân cao nhất với 79,9%. Ngành sản xuất phương tiện vận tải khác và ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân thấp nhất với 64,8%.

3. Dự kiến kết quả đầu ra

3.1. Khối lượng sản xuất

Kết quả khảo sát quý I/2024, có 61,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (22,3% tăng, 38,9% giữ nguyên), 38,8% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm[8].

Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 29,1%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 52,4%.

Khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 khả quan hơn với 82,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (44,1% tăng, 38,2% giữ nguyên), 17,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

3.2. Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng và giữ nguyên là 89,3% (14,9% tăng, 74,4% giữ nguyên), 10,7% doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm[9].

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 25,2%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm nhiều nhất với 15,7%.

Nhận định về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II/2024 so với quý I/2024, có 91,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (17,4% tăng, 74,2% giữ nguyên), 8,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

4. Biến động tồn kho

4.1. Tồn kho thành phẩm

Theo kết quả khảo sát, có 19,3% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý I/2024 tăng so với quý IV/2023; 52,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 27,9% đánh giá giảm[10].

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng cao nhất với 28,7%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý I/2024 so với quý IV/2023 giảm nhiều nhất với 34,1%.

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, có 17,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 54,2% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 28,6% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.

4.2. Tồn kho nguyên vật liệu

Kết quả khảo sát cho thấy, có 73,2% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng và giữ nguyên (17,8% tăng, 55,4% giữ nguyên), 26,8% doanh nghiệp nhận định giảm[11].

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, có 16,8% doanh nghiệp đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 55,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 27,4% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.

5Kiến nghị của doanh nghiệp

Khái quát lại, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 được nhận định khó khăn hơn quý IV/2023 nhưng tích cực hơn hoạt động SXKD của các doanh nghiệp quý I/2023 so với quý IV/2022[12], đặc biệt là khu vực doanh nghiệp FDI[13].

Trong quý I/2024, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng sản xuất” giảm nhiều nhất (giảm 52,4%) do tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng đơn đặt hàng mới” và “giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm” đều giảm (giảm lần lượt là 52,4% và 15,7%), kết hợp với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm” tăng cao so với quý IV/2023 (tăng 32,7%). Việc “khối lượng sản xuất” của ngành này được nhận định giảm sâu trong quý I/2024 có thể tạo áp lực về thiếu hụt nguyên vật liệu đối với ngành xây dựng.

Trong quý I/2024, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 55,1% và 49,8%. Yếu tố “không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu” có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn tăng nhiều nhất (tăng 3,3% so với quý IV/2023) với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 19,8%.

Để hỗ trợ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các quý tiếp theo, các doanh nghiệp kiến nghị:

Thứ nhất, tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới.

Thứ hai, hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề  và lao động tay nghề cao.

Thứ ba, có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa.

Thứ tư, có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp.

          PHẦN II. XU HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH NGÀNH XÂY DỰNG

Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023 với 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 41,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD giữ ổn định và 42,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn[14]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động SXKD tốt lên với 32,2% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 40,7% nhận định giữ ổn định và 27,1% dự báo khó khăn hơn.

1. Tổng quan chung về hoạt động SXKD

Đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng có thể dựa trên các chỉ số cân bằng. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (chi phí sản xuất, sử dụng lao động, hợp đồng xây dựng mới) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp xây dựng.

1.1. Chỉ số cân bằng chung

Chỉ số cân bằng xu hướng SXKD ngành xây dựng quý I/2024 so với quý IV/2024[15] là -25,9% (16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn và 42,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn). Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 khả quan hơn với với chỉ số cân bằng là 5,1%[16] (32,2% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 27,1% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).

HÌNH 14: CHỈ SỐ CÂN BẰNG XU HƯỚNG SXKD NGÀNH XÂY DỰNG (%)

1.2. Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới

Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 là -25,2% (15,1% doanh nghiệp nhận định tăng; 40,3% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý II/2024 so với quý I/2024 khả quan hơn với 13,1% (32,9% doanh nghiệp dự báo tăng; 19,8% doanh nghiệp dự báo giảm).

HÌNH 15: CHỈ SỐ CÂN BẰNG HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG MỚI (%)

Theo ngành kinh tế, quý I/2024 so với quý IV/2023, doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng[17] có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới khả quan nhất với -20,1%; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại[18] -26,6%; doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng[19] -29,7%. Quý II/2024, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng dự báo chỉ số cân bằng về hợp đồng xây dựng mới so với quý I/2024 cao nhất với 18,8%; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại 14,3% và doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng 4,7%.

1.3. Các chỉ số cân bằng chi phí sản xuất

Chỉ số cân bằng tổng chi phí cho hoạt động xây dựng quý I/2024 so với quý IV/2024 là -2,1% (31,1% doanh nghiệp dự báo tăng và 33,2% doanh nghiệp dự báo giảm)[20]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 chỉ số cân bằng tăng với 34,0% (46,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 12,9% doanh nghiệp dự báo giảm).

HÌNH 16: CHỈ SỐ CÂN BẰNG VỀ CHI PHÍ SXKD (%)

Chỉ số cân bằng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp quý I/2024 so với quý IV/2023 là 5,5% (35,4% doanh nghiệp dự báo tăng và 29,9% dự báo giảm)[21]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 36,6% (48,8% doanh nghiệp dự báo tăng và 12,2% dự báo giảm).

Chỉ số cân bằng chi phí nhân công trực tiếp quý I/2024 so với quý IV/2023 là 0,7% (29,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 28,5% dự báo giảm)[22]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 30,7% (42,5% doanh nghiệp dự báo tăng và 11,8% dự báo giảm).

1.4. Các chỉ cố cân bằng sử dụng lao động

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động chung quý I/2024 so với quý IV/2023 là -18,0% (13,0% doanh nghiệp dự báo tăng và 31,0% dự báo giảm)[23]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 13,4% (27,3% doanh nghiệp dự báo tăng và 13,9% dự báo giảm).

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động thường xuyên quý I/2024 so với quý IV/2023 là -9,0% (6,5% doanh nghiệp dự báo tăng và 15,5% dự báo giảm)[24]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 3,2% (12,8% doanh nghiệp dự báo tăng và 9,6% dự báo giảm).

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động thời vụ quý I/2024 so với quý IV/2023 là -19,8% (11,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 31,7% dự báo giảm)[25]. Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 tăng với 10,8% (26,4% doanh nghiệp dự báo tăng và 15,6% dự báo giảm).

HÌNH 17: CHỈ SỐ CÂN BẰNG VỀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG (%)

2. Biến động của các yếu tố đầu vào

2.1. Sử dụng lao động

Kết quả khảo sát quý I/2024 cho thấy, có 13,0% doanh nghiệp nhận định lao động trong doanh nghiệp tăng so với quý IV/2023; 56,0% doanh nghiệp nhận định lao động không đổi và 31,0% doanh nghiệp nhận định lao động giảm[26].

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 có 27,3% doanh nghiệp nhận lao định lao động tăng; 58,8% doanh nghiệp nhận định không đổi và 13,9% doanh nghiệp nhận định lao động giảm.

Lao động thường xuyên

Quý I/2024 có 6,5% doanh nghiệp nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý IV/2023; 78,0% doanh nghiệp nhận định không đổi và 15,5% doanh nghiệp nhận định giảm. Dự báo quý II/2024, có 12,8% doanh nghiệp nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý I/2024; 77,6% doanh nghiệp nhận định không đổi và 9,6% doanh nghiệp nhận định giảm.

Lao động thời vụ

Theo kết quả khảo sát, quý I/2024 có 11,9% doanh nghiệp nhận định lao động thời vụ tăng so với quý IV/2023; 56,4% doanh nghiệp nhận định không đổi và 31,7% doanh nghiệp nhận định giảm. Dự báo quý II/2024, có 26,4% doanh nghiệp nhận định lao động thời vụ tăng so với quý I/2024; 58,0% doanh nghiệp nhận định không đổi và 15,6% doanh nghiệp nhận định giảm.

HÌNH 18: NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH SỬ DỤNG LAO ĐỘNG (%)

2.2. Chi phí sản xuất

Quý I/2024, có 31,1% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với quý IV/2024; 35,7% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 33,2% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm[27].

HÌNH 19: NHẬN ĐỊNH VỀ CHI PHÍ SXKD (%)

Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024 có 46,9% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 40,2% doanh nghiệp dự báo không đổi và 12,9% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp xây dựng. Kết quả khảo sát cho thấy trong quý I/2024, có 35,4% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý IV/2023; 34,7% doanh nghiệp nhận định không đổi và 29,9% doanh nghiệp nhận định giảm. Dự báo quý II/2024, có 48,8% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý I/2024; 39,0% doanh nghiệp nhận định không đổi và 12,2% doanh nghiệp dự báo giảm.

Chi phí nhân công trực tiếp

Quý I/2024, có 29,2% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng; 42,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi và 28,5% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công trực tiếp giảm so với quý IV/2023. Quý II/2024, có 42,5% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp tăng so với quý I/2024; 45,7% doanh nghiệp nhận định không đổi; 11,8% doanh nghiệp dự báo chi phí nhân công trực tiếp giảm.

2.3. Hợp đồng xây dựng mới

Quý I/2024, có 59,7% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý IV/2023 (15,1% doanh nghiệp nhận định tăng; 44,6% doanh nghiệp nhận định không đổi); có 40,3% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm[28]. Dự báo quý II/2024, các doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý I/2024 với 80,2% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi (32,9% doanh nghiệp nhận định tăng; 47,3% doanh nghiệp nhận định không thay đổi); 19,8% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.

HÌNH 20: NHẬN ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG MỚI (%)

2.4. Năng lực hoạt động của doanh nghiệp

Kết quả khảo sát quý I/2024 cho thấy, có 24,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của doanh nghiệp; 33,0% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 25,2% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 15,7% doanh nghiệp đánh giá năng lực hoạt động từ 90 đến 100%; 1,9% doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế của doanh nghiệp.

HÌNH 21: NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP QUÝ I/2024 (%)

3. Vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

Kết quả khảo sát quý I/2024 cho thấy, có 76,4% doanh nghiệp vay vốn phục vụ SXKD[29]. Theo nguồn vay, có 76,3% doanh nghiệp vay ngân hàng; 12,4% doanh nghiệp vay người thân, bạn bè; 7,1% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 2,9% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,3% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác. Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 39,5% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 60,5% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.

Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, có 18,3% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý I/2024 thuận lợi hơn quý IV/2023, 55,0% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 26,7% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý II/2024, có 20,9% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý I/2024, 57,7% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 21,4% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn quý I/2024.

HÌNH 22: VAY VỐN PHỤC VỤ SẢN XUẤT KINH DOANH QUÝ I/2024 (%)

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp

Hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. Theo khảo sát trong quý I/2024, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến SXKD của doanh nghiệp là “không có hợp đồng xây dựng mới” với 52,2% số doanh nghiệp; yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 46,5% số doanh nghiệp. Dự báo trong quý II/2024, các doanh nghiệp cho rằng yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” ảnh hưởng nhiều nhất với 48,7% doanh nghiệp, yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 40,4% doanh nghiệp.

HÌNH 23: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG SXKD CỦA DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG QUÝ I/2024 VÀ QUÝ II/2024 (%)

5. Kiến nghị của doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể:

HÌNH 24: KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG (%)

(1) 46,4% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; (2) 44,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; (3) 38,3% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; (4) 32,9% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; (5) 26,6% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; (6) 24,3% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD.

Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương:

Thứ nhất, sau Tết Nguyên Đán, hoạt động xây dựng quay trở lại quỹ đạo bình thường, quý II/2024 các doanh nghiệp dự báo có thêm hợp đồng xây dựng mới nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Vì vây, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát giá, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tránh sự độc quyền về nguồn cung dẫn đến tăng giá để hoạt động xây dựng của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Thứ hai, thiếu vốn là vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp, năng lực tài chính của doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính quyết định đến khả năng trúng thầu của đơn vị. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn giảm bớt  điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn để có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi.

Thứ ba, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Thứ tư, lao động nghỉ việc, chuyển việc do bị nợ lương, chậm lương quá lâu, vì vậy, cần nhanh chóng thanh quyết toán nợ đọng, được giải ngân vốn, tạm ứng vốn đúng kỳ hạn để thanh toán nợ lương cho người lao động.

(Nguồn: Tổng cục thống kê)

[1] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 69,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt hơn và giữ ổn định (31,7% tốt lên và 37,9% giữ ổn định); 30,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[2] Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm.

[3] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 68,9% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên 29,2% tăng; 39,7% giữ nguyên) và 31,1% nhận định giảm.

[4] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 67,4% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (22,4% tăng; 45,0% giữ nguyên) và 32,6% nhận định giảm.

[5] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 11,2% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng, 68,5% giữ nguyên và 20,3% nhận định giảm.

[6] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 91,6% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (29,8% tăng; 61,8% giữ nguyên) và 8,4% nhận định giảm.

[7] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023 là 72,5%.

[8] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 69,5% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên (32,7% tăng; 36,8% giữ nguyên) và 30,5% doanh nghiệp nhận định giảm.

[9] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 87,2% doanh nghiệp nhận định giá bình quân một một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (16,8% tăng; 70,4% giữ nguyên) và 12,8% giảm.

[10] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 20,2% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm tăng; 47,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên; 32,0% doanh nghiệp đánh giá giảm.

[11] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 17,0% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu tăng; 51,1% nhận định giữ nguyên; 31,9% nhận định giảm.

[12] Chỉ số cân bằng chung quý I/2024 so quý IV/2023 là -13,0%; quý I/2023 so với quý IV/2022 là -14,2%.

[13] Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp FDI quý I/2024 so quý IV/2023 là -7,8%; quý I/2023 so với quý IV/2022 là -14,9%.

[14] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023 là: 27,4% nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 39,4% nhận định hoạt động SXKD vẫn ổn định và 33,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn.

[15] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: -5,8% (27,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 33,2% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).

[16] Là quý đầu tiên kể từ năm 2018 có chỉ số cân bằng lớn hơn 0 (số doanh nghiệp nhận định tăng lớn hơn số doanh nghiệp nhận định giảm).

[17] Bao gồm: xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, công trình thủy, công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông, nhà máy lọc dầu, công trình thể thao ngoài trời,…

[18] Bao gồm: xây dựng nhà để ở, nhà xưởng, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ga hàng không, nhà kho, khu thể thao trong nhà, …

[19] Bao gồm: hoạt động phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, ép cọc; hoạt động hoàn thiện công trình: trát vữa, sơn tường, lắp đặt thiết bị nội thất, lắp hệ thống điện, nước,…

[20] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 28,1% (46,4% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,3% doanh nghiệp nhận định giảm).

[21] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 32,1% (48,6% doanh nghiệp nhận định tăng và 16,5% nhận định giảm).

[22] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 24,0% (40,2% doanh nghiệp nhận định tăng và 16,2% nhận định giảm).

[23] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 2,5% (22,0% doanh nghiệp nhận định tăng và 19,5% nhận định giảm).

[24] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: -2,7% (9,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 12,4% nhận định giảm).

[25] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 0,2% (20,0% doanh nghiệp nhận định tăng và 19,8% nhận định giảm).

[26] Chỉ số tương ứng quý IV/2023: 22,0% doanh nghiệp nhận đinh tăng; 58,5% không đổi và 19,5% doanh nghiệp nhận định giảm.

[27] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 46,4% nhận định tăng so với quý III/2023; 35,3% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí trên một đơn vị sản phẩm không thay đổi và 18,3% nhận định giảm.

[28] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 24,3% nhận định tăng; 49,0% nhận định không thay đổi; 26,7% nhận định giảm.

[29] Chỉ số tương ứng của quý IV/2023: 75,0% doanh nghiệp vay vốn phục vụ SXKD.