XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP MAY MẶC THỜI TRANG NĂM 2023
Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến ngành công nghiệp may mặc thời trang trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa. Các công ty may mặc thời trang cần tìm ra “chiến lược sinh tồn” khả thi cho riêng mình để trụ vững giữa những biến động thị trường.
Năm 2023, người tiêu dùng Việt được dự báo sẽ dè sẻn hơn trong vấn đề chi tiêu, hạn chế mua sắm, nhất là với những mặt hàng không thiết yếu như may mặc. Với ngành thời trang, giá các nguyên phụ liệu đầu cũng tăng vọt cùng chi phí năng lượng, vận chuyển tăng cao khiến các doanh nghiệp thời trang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong kinh doanh.
Về triển vọng đối với ngành dệt may Việt Nam thời gian tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi.
SSI Research hiện dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Hơn nữa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.
Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023 và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý 4/2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.
Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý 4/2022, do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023. Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Hoa Kỳ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009, SSI Research cho biết.
Chi tiết xem tại BÁO CÁO NGÀNH MAY MẶC THỜI TRANG của CFC Vietnam dưới đây.